ÔNG NGUYỄN XUÂN QUANG – CHỦ TỊCH HĐQT NAM LONG

“THÀNH TỰU LỚN NHẤT CỦA NAM LONG SUỐT 30 NĂM QUA LÀ XÂY DỰNG ĐƯỢC MỘT NAM LONG HỘI NHẬP QUỐC TẾ VÀ SẴN SÀNG PHÁT TRIỂN NHƯ BÂY GIỜ”

Bên ly cà phê nóng giữa một sáng trời Sài Gòn se lạnh, vị thuyền trưởng – linh hồn của Nam Long đã chia sẻ cùng Forbes về hành trình 30 năm tâm huyết gầy dựng và phát triển con rồng phương Nam lớn mạnh với 20 công ty con và hơn 700 nhân sự như ngày hôm nay.

Biết mình, biết người, chọn đúng đối tác và đơn vị tư vấn chuyên nghiệp

Nam Long đã trải qua hành trình dựng xây và phát triển tròn 3 thập niên. Trong suốt hành trình đó, thành tựu lớn nhất khiến ông tự hào nhất đến thời điểm này là gì, thưa ông?
Tôi nghĩ rằng, thành tựu lớn nhất mà chúng tôi đã đạt được trong suốt 30 năm qua là một Nam Long hội nhập quốc tế như bây giờ và sẵn sàng phát triển. Hội nhập ở đây không đơn thuần là về văn hoá, mô hình kinh doanh, chính sách kinh doanh mà liên quan đến cả tổ chức, từ hội đồng quản trị, điều hành và bộ máy bên dưới.
Hội nhập là một quá trình chứ không phải ngày một ngày hai. Đó là quá trình chuyển đổi cả về tư duy và cách thức làm việc. Quá trình này mất rất nhiều thời gian và không hề dễ dàng.
Để trở thành một công ty cổ phần có thể bắt tay với quốc tế, chúng tôi đã chuẩn bị từ năm 2005. Vào những năm ấy, việc thuyết phục các cổ đông sáng lập để quyết định chuyển mô hình từ công ty gia đình với bao nhiêu tiền lãi là của mình hết, trở thành công ty chia sẻ hợp vốn lại làm ăn là điều không dễ. Tư duy người Việt Nam mình ngày ấy vẫn muốn sở hữu chứ không phải một công ty cổ phần hay của công chúng.
Suốt gần 2 năm, tôi mới thuyết phục được HĐQT đồng ý làm công ty cổ phần. Đó là một sự thay đổi lớn. Bởi, từ công ty cổ phần, chúng tôi bắt đầu tìm được các đối tác chiến lược để sẵn sàng cho hành trình hội nhập quốc tế. Năm 2008, Nam Long đã có đối tác rất lớn là Goldman Sachs, một trong 5 ngân hàng lớn của Mỹ. Đến năm 2010 là Mekong Capital, 2014 là IFC (Worldbank), 2015 là Keppel Land, và gần 8 năm gần đây là hai nhà đầu tư Nhật Bản Hankyu Hanshin và Nishi Nippon Railroad…

Theo ông, tại sao các đối tác Nhật Bản lại chọn hợp tác cùng Nam Long?

Việc đối tác Nhật Bản chọn hợp tác cùng Nam Long hoàn toàn không chỉ là về sản phẩm. Mà đó là sự tương đồng trong văn hoá, mô hình kinh doanh, trong các phương thức, nguyên tắc làm việc, những giá trị cốt lõi của 2 bên và quan trọng hơn là những chuẩn mực trong vận hành được tôn trọng.

Muốn hội nhập và làm việc được với các đối tác quốc tế thì mình phải tuân thủ các nguyên tắc, các chuẩn mực quốc tế trong quản trị doanh nghiệp. Nói đến các chuẩn mực thế giới là nói đến integrity (sự cam kết – PV). Nếu bạn không có integrity thì không thể làm việc với quốc tế được, dù là cá nhân hay tổ chức. Đó chính là văn hoá, là những nguyên tắc ứng xử khi làm việc. Khi bạn đã đạt đến 1 chuẩn mực nhất định, nó sẽ như tấm giấy thông hành, giúp việc hợp tác với các đối tác khác dễ dàng hơn.

Sự cam kết (integrity) cũng chính là một trong 3 giá trị cốt lõi của Nam Long suốt 3 thập niên phát triển. Ông có thể chia sẻ thêm về giá trị này?

Tôi rất thích yếu tố integrity (sự cam kết – PV). Cách đây 30 năm trước, tại văn phòng đầu tiên của Nam Long có đề chữ UY TÍN – CHẤT LƯỢNG. Integrity là một trong những giá trị cốt lõi đầu tiên và không hề thay đổi trong suốt 30 năm phát triển của Nam Long.

Doanh nghiệp mà không có integrity thì không có nền tảng. Các tổ chức muốn hợp tác, muốn làm ăn với nhau thì phải đặt nền tảng integrity lên hàng đầu. Integrity thực ra rất đơn giản và dễ hiểu: bạn chỉ hứa cái bạn tin là bạn làm được, chứ đừng hứa cái không làm được. Hứa điều không làm được đã là không integrity. Thứ hai, khi làm không được thì bạn phải thông báo cho các bên liên quan một cách minh bạch và trung thực. Thứ ba là nếu có hậu quả xảy ra thì phải cùng nhau xử lý thỏa đáng.

Integrity là một sự lựa chọn, nó có thể là giá trị cốt lõi của người này nhưng không phải của người khác. Nhưng chắc chắn ở Nam Long, bạn integrity ở mức độ nào thì bạn sẽ ngồi ở vị trí tương ứng. Khi bạn ngồi ở vị trí cao, bạn không thể không integrity vì nếu bạn không integrity, tôi sẽ không bao giờ lựa chọn bạn nắm giữ vị trí đấy.

Nam Long là doanh nghiệp sớm mở cửa để đón nhận các nguồn lực từ bên ngoài. Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm khi làm việc với các đối tác quốc tế?

Nam Long là một trong những công ty tư nhân đầu tiên của Việt Nam được thành lập sau Luật doanh nghiệp năm 1991. Khi bạn bắt đầu “bé nhỏ” như thế thì con đường ngắn nhất, nhanh nhất là bạn phải hội nhập, phải “đứng trên vai người khổng lồ”.

Trong sân chơi hội nhập, đầu tiên bạn phải biết mình muốn gì, tổ chức mình muốn gì và bạn đang ở đâu. Bạn muốn mời đối tác vào làm một cổ đông lớn hay muốn mời họ đầu tư tài chính. Khi bạn đã biết mình muốn gì thì hãy thực hiện một cách chuẩn mực và tuân thủ các quy trình. Thế giới rất chuẩn, mình phải thật chuyên nghiệp.

Thứ hai, bạn phải chọn đúng người, chọn đúng đối tác. Để làm được điều đó, bạn phải có đủ năng lực để đánh giá đối tác. Đối tác đang muốn “thôn tính” mà mình lại chọn họ như một nhà đầu tư tài chính thì không ổn. Bạn phải hiểu đối tác, tức là vừa biết mình và vừa biết người. Khi chọn đúng con người, chọn đúng đối tác thì các sự cố sẽ ít xảy ra hơn.

Kinh nghiệm của tôi là khi bước vào tất cả những cuộc chơi mang tính hợp tác quốc tế thì bạn phải sử dụng tư vấn quốc tế và phải chọn những đối tác tư vấn chuyên nghiệp xuất sắc nhất. Nam Long luôn chọn những đối tác tư vấn quốc tế chuyên nghiệp, từ tư vấn luật, tư vấn thiết kế, tư vấn M&A quốc tế… bởi chỉ những đơn vị như vậy mới dễ kết nối các đối tác cùng đẳng cấp với nhau. Chuyên nghiệp chính là một trong những giá trị cốt lõi trong văn hóa Nam Long.

Ông Nguyễn Xuân Quang là ai?

Doanh nhân Nguyễn Xuân Quang hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long (NLG). Ông đang là doanh nhân thuộc Top những “đại gia nghìn tỷ”, đồng thời là người giàu thứ 80 trên sàn chứng khoán Việt Nam với khối tài sản khổng lồ. Nam Long Group của ông đã trở thành một trong những doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, khi đang sở hữu 20 công ty con với hơn 600 nhân viên với vốn sở hữu gần 6.000 tỷ đồng và tổng tài sản hơn 10.000 tỷ đồng.

Đôi nét tiểu sử về ông Nguyễn Xuân Quang

Ông Nguyễn Xuân Quang sinh ngày 20 tháng 5 năm 1960 tại tỉnh Bình Thuận. Ông đã từng tốt nghiệp trường Đại học Kiến trúc TP.HCM, nhưng bén duyên sang lĩnh vực bất động sản. Hiện ông Nguyễn Xuân Quang đang đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng như:
Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long
Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Nam Long VCD
Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM
Bên cạnh đó, doanh nhân Nguyễn Xuân Quang còn được mệnh danh là “đại gia nghìn tỷ” khi ông sở hữu 36.8000.959 cổ phiếu của Nam Long Group tương đương với 14,17% cổ phần.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *